Thư viện Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) không chỉ là thư viện số đầu tiên và duy nhất trong trường mà còn nổi bật với nhiều đặc điểm độc đáo. Một trong những điểm đặc sắc là sự kết hợp linh hoạt giữa không gian vật lý và công nghệ số.
Thư viện Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) là thư viện số đầu tiên và duy nhất trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Có điều gì độc đáo ở thư viện này?
HÀNG TRIỆU BẢN SÁCH
Thư viện trường nhưng lại có tới… hàng triệu bản sách phục vụ độc giả, điều tưởng chừng khó tin này đã được Ban Giám hiệu Trường THPT Châu Thành biến thành sự thật. Thư viện trường là căn phòng vỏn vẹn 70m2 tại tầng trệt, được bài trí như một quán cà phê sách với những bộ bàn ghế, màu sắc bắt mắt và những kệ sách kê ngay ngắn phân theo từng thể loại cùng những cuốn sách mới được sắp xếp đẹp mắt. Điều đặc biệt hơn cả là tại đây còn có chiếc tủ kính trưng bày 24 chiếc máy tính bảng và 1 màn hình cảm ứng lớn phục vụ cho việc tìm kiếm tài liệu hoặc làm việc nhóm.
Thầy Lại Định Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, thời gian qua, hướng tới mục tiêu xây dựng trường phổ thông chất lượng cao, nhà trường đã tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số trường ĐH đã thành công trong việc tự chủ. Ban Giám hiệu nhà trường rất tâm đắc với thư viện số tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) nên đã xây dựng kế hoạch “số hóa” thư viện của trường mình để tạo thuận lợi cho HS, GV tìm kiếm sách, tài liệu phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, giải trí.
Từ tháng 5/2020, Trường THPT Châu Thành đã được Sở GD-ĐT đầu tư giai đoạn 1 các trang thiết bị ban đầu gồm máy tính bảng, màn hình cảm ứng, kệ, tủ sách… với kinh phí hơn 1 tỷ đồng để từng bước xây dựng thư viện số. Sau đó, nhà trường liên kết với Thư viện tỉnh để trở thành một “thư viện vệ tinh”, kế thừa toàn bộ tài liệu đã được số hóa của Thư viện tỉnh. Hiện nay, hơn 1.000 HS cùng trên 70 cán bộ, GV của trường đã được cấp tài khoản thư viện miễn phí để có thể đăng nhập, tìm kiếm, đọc và tải tài liệu điện tử từ kho tài liệu khổng lồ của Thư viện tỉnh. Bên cạnh đó, GV của trường còn xây dựng nguồn học liệu của các bộ môn, làm phong phú thêm cho nguồn tài nguyên của thư viện số và chia sẻ cho HS, GV toàn trường tra cứu, sử dụng.
“Điều đáng nói là nguồn tài nguyên trên thư viện số của trường đều là những tài liệu chính thống, đã được thẩm định nên bảo đảm sự chuẩn xác, khoa học. Từ đó góp phần giúp cho GV và các em HS của trường tra cứu, học tập, giải trí một cách có định hướng”, thầy Quốc nói.
Ông Huỳnh Tới, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết thêm, lượng tài liệu điện tử do Thư viện tỉnh cung cấp cho trường THPT Châu Thành lên tới hàng triệu bản ở tất cả các lĩnh vực do các đơn vị uy tín như NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp, Vietbook… cung cấp. HS, GV nhà trường có thể đọc, tải những tài liệu này hoàn toàn miễn phí.
ĐẦY SỨC HÚT VỚI GV, HS
Chị Nguyễn Thị Xuân, nhân viên thư viện Trường THPT Châu Thành cho hay: “Trước đây, thư viện trường nằm trên lầu 3, nguồn sách, tài liệu nghèo nàn nên không có nhiều người lui tới. Từ khi xây dựng thư viện số đến nay, lượt GV, HS đến với thư viện trường tăng lên gấp nhiều lần”. Hiện nay, Trường THPT Châu Thành vẫn duy trì song song thư viện truyền thống và thư viện số để phục vụ nhu cầu đa dạng của người đọc. Riêng sách và tài liệu bản in có khoảng 16.000 bản từ nguồn của thư viện trường và nguồn sách xoay vòng của Thư viện tỉnh. Đây đều là những tài liệu đã được tổ thẩm định, lựa chọn sách của trường chọn lọc để phù hợp với nhu cầu sử dụng của GV, HS nhà trường.
Có thể nói, thư viện Trường THPT Châu Thành đã trở thành điểm đến lý tưởng cho thầy, trò của trường vào những khoảng thời gian trống. Tranh thủ 15 phút nghỉ giữa giờ, em Nguyễn Đức Mạnh, HS lớp 11A1 liền cùng bạn bè tới thư viện. Sau khi đăng ký với nhân viên thư viện, Mạnh nhận chiếc máy tính bảng, lựa chọn chỗ ngồi thoải mái, đăng nhập tài khoản riêng để tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học tiếng Anh. Đức Mạnh cho biết: “Sự thay đổi của thư viện trường đã tạo ra một không gian thân thiện, thoải mái, hiện đại, khiến chúng em cảm thấy rất thích thú khi tới để tìm kiếm tài liệu, làm việc nhóm. Em và các bạn thường tận dụng những tiết trống, thậm chí chỉ 15 phút ra chơi ngắn ngủi để xuống thư viện”.
Còn em Trương Thị Bích Hạnh, HS lớp 12A1 thì cho hay: “Trước đây, khi muốn tìm tài liệu, em thường phải thu xếp thời gian để đến Thư viện tỉnh. Từ khi thư viện trường vừa được nâng cấp, vừa “số hóa”, việc đọc, tải tài liệu của em và các bạn rất thuận tiện. Chúng em không những không phải đi xa mà còn được sử dụng miễn phí với cả bản điện tử và bản in”.
Cô Nguyễn Thị Minh Đào, GV bộ môn Toán cho hay, thư viện số của trường cũng hỗ trợ GV bộ môn rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu để bài giảng trở nên phong phú, sinh động hơn, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, GV và tổ bộ môn cũng có thể chia sẻ tài liệu hoặc video bài giảng để việc giảng dạy và học tập hiệu quả hơn.