Làm gì để thư viện trường học thành “chốn đi về” của học sinh?

08/12/2023 23:29

Trước cuộc sống sôi động, văn hóa đọc xem ra là vấn đề cần đem ra bàn luận. Trong bối cảnh hiện nay, môi trường xã hội đầy thách thức và kỹ thuật số ngày càng chiếm lĩnh, việc duy trì và phát triển văn hóa đọc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra thách thức đối với cả giáo dục và cộng đồng, đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực chung để khuyến khích đọc sách và đảm bảo rằng mọi người tiếp tục tận hưởng và trân trọng giá trị của từng trang sách.

Nói giới trẻ bây giờ ít đọc sách chưa hẳn là đúng nhưng nói rằng giới trẻ hiện nay chạy theo đủ mọi sách tầm tầm - thậm chí vô bổ không hẳn là sai.

Vì sao học sinh ngán đọc sách quý?

Học sinh hiện nay rất thờ ơ với việc đọc các loại sách quý. Chạy theo học thêm nơi này, môn khác nên thời gian dành cho việc đọc sách không có. Nhiều thầy cô dạy Văn phàn nàn về tình trạng học sinh không chịu khó đọc tác phẩm trước khi đến lớp. Các em quan tâm những bài văn mẫu, những sách giúp em học tốt, sách giải hơn là việc tìm đọc các tài liệu nghiên cứu để nâng cao, mở rộng kiến thức. Ngay cả những đoạn trích, một truyện ngắn có trong sách giáo khoa các em còn chẳng chịu đọc nữa là. Vì thế mới có tình trạng học sinh không thuộc nổi một bài thơ, một đoạn thơ có trong chương trình. Do không đọc tác phẩm nên khi làm bài các em lẫn lộn các kiến thức như lấy tên nhân vật trong tác phẩm này đưa sang tác phẩm khác...

Giới trẻ hôm nay vẫn tìm đến sách - nhưng họ thích đọc các loại sách gì hơn - đó là vấn đề cần nói. Nhiều trẻ em đam mê thế giới truyện tranh, rồi Đôrêmon, những sách kiếm hiệp, ảo tưởng đến mức quên ăn, quên ngủ... Nhiều thiếu niên tìm đến những “trang truyện đen” có nội dung đồi trụy trên mạng, tại các dịch vụ Internet, hoặc rồi lạc vào các tiểu thuyết viết về câu chuyện tình lâm li trong các quầy cho thuê...

Làm gì để thư viện trường học thành “chốn đi về” của học sinh?
Làm gì để thư viện trường học thành “chốn đi về” của học sinh?

Buồn thay, đến thư viện các trường học, những quyển sách, những tác phẩm văn học kinh điển của nhân loại hay những loại sách bàn luận về triết lý sống, đạo đức xã hội học vẫn nằm yên một chỗ trên giá, bụi càng bám dày thêm. Điều đó cho thấy thị hiếu đọc sách của giới trẻ bây giờ khác thật nhiều so với trước đây...

Quay lưng với sách hoặc không thích đọc những tác phẩm dài thuộc về một thời vang bóng... của giới trẻ là do sự tác động từ nhiều yếu tố. Cuộc sống hiện đại với nhiều hình thức giải trí hấp dẫn, sôi động, báo viết, báo nói, báo hình phong phú... có lẽ thu hút tuổi trẻ hơn là ngồi một chỗ với quyển sách dày cộm trên tay. Hơn thế nữa, giáo viên, phụ huynh, những người có trách nhiệm chưa thật sự kích thích, khêu gợi làm cháy lên ngọn lửa đam mê đọc sách, tìm đến sách hay nơi mỗi bạn trẻ.

Có nhiều lý do để học sinh hôm nay không mặn mà lắm với chuyện đọc sách hay đọc sách chỉ mang tính hình thức mà thiếu chiều sâu. Trong số các lý do đó có lý do vô cùng quan trọng là việc giới thiệu sách của thư viện hiện nay chưa thường xuyên nếu không muốn nói là hầu như vắng bóng ở một số trường.

Lâu nay, một số thư viện trường chưa chú trọng đến việc này, các hình thức giới thiệu sách phổ biến hiện nay ở trong trường học là: Trước phòng đọc thư viện để một tấm bảng và viết tên các loại sách mới lên đó, học sinh đọc và tìm đến mượn; một số trường học ở thành phố có cơ sở vật chất khá thì nhập tên các loại sách vào máy tính và bạn đọc đến đó chỉ cần đánh tên sách vào bàn phím để tìm; học sinh hay giáo viên tự đến tìm mục lục như danh bạ trong từng chiếc hộp gỗ hoặc trực tiếp hỏi cán bộ thư viện để biết loại sách mà mình đang cần...

Những hình thức trên đây dù ít, dù nhiều, đều có tác dụng nhất định trong việc cung cấp thông tin về các loại sách đến bạn đọc. Tất nhiên, chỉ dừng lại những hình thức như vậy thì thật đơn điệu nếu không muốn nói là nhàm chán, chưa thực sự kích thích, thu hút bạn đọc đến với thư viện trong hàng ngày, hàng tuần. 

Làm gì để thư viện trường học thành “chốn đi về” của học sinh?
Làm gì để thư viện trường học thành “chốn đi về” của học sinh?

Cần đổi mới hoạt động giới thiệu sách

Sách báo ngày một phong phú đa dạng, đọc sách gì là thiết thực đối với từng giáo viên và học sinh? Đây là vấn đề cần được quan tâm và coi trọng. Vậy nên giới thiệu sách là hoạt động không thể thiếu của cán bộ thư viện trong trường học. Qua việc giới thiệu sẽ định hướng nhu cầu tiếp nhận và kích thích niềm say mê hứng thú của người đọc. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi năng lực và năng khiếu của mỗi người làm công tác thư viện.

Giới thiệu sách như thế nào cho hấp dẫn, thu hút để sau mỗi lần giới thiệu bạn đọc lại không thể không tìm đến sách. Điều đó đặt ra cho mỗi cán bộ thư viện phải năng động, sáng tạo, tìm tòi những hình thức giới thiệu sách hay, có chất lượng.

Lâu nay việc giới thiệu sách chỉ cho cán bộ thư viện đảm nhiệm. Chúng tôi muốn công việc này không chỉ dừng lại ở cán bộ mà phải trở thành hoạt động mang tính thường xuyên, phổ biến có sự đồng hành cùng với các thầy cô giáo và đặc biệt là các em học sinh - những bạn đọc thường xuyên. Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một hình thức giới thiệu sách có tính khả thi đó là “Cán bộ thư viện cùng học sinh giới thiệu sách” với không ngoài mong muốn ngày càng thu hút bạn đọc là học sinh và giáo viên đến với thư viện, đáp ứng những nhu cầu của thời đại mới.

Thứ nhất, cán bộ thư viện kết hợp với giáo viên tổ bộ môn Văn tổ chức hoạt động ngoại khóa văn học với chủ đề “Giới thiệu các loại sách văn học.

Hình thức này có thể duy trì hai tháng một lần. Mỗi lần tổ chức cho học sinh một khối. Chẳng hạn khối 10 giới thiệu về sách văn học dân gian, khối 11 giới thiệu các sách viết về các tác giả văn học giai đoạn 1930 - 1945. Khối 12 giới thiệu về các tác phẩm từ 1945 đến 1975.

Sách được giới thiệu trong câu lạc bộ là do cán bộ thư viện tuyển chọn. Đó phải là những cuốn sách mà được đông đảo học sinh quan tâm.

Thứ hai, thành lập đội cộng tác viên thư viện:

Đây là đội ngũ được lựa chọn trong số những học sinh của trường. Cộng tác viên thư viện là những em có năng khiếu văn chương, say mê đọc sách. Các cộng tác viên này dưới sự hướng dẫn của cán bộ thư viện chọn lọc sách hay, tổ chức giới thiệu trước trường hay trong phạm vi từng lớp trong những tiết sinh hoạt tập thể.

Thứ ba, phát động phong trào thi đua “Giới thiệu sách” trong học sinh:

Cán bộ thư viện kết hợp Liên đội, Đoàn trường phát động phong trào giới thiệu sách trong toàn bộ Đội viên, Đoàn viên. Học sinh tự tìm sách, viết bài giới thiệu và nộp lại cho Ban tổ chức. Ban tổ chức tuyển chọn những bài giới thiệu hay, tổ chức vòng loại và tiếp tục chọn ra những bài giới thiệu xuất sắc vào vòng chung kết và tiến hành trao giải.

Đây là hình thức hấp dẫn thu hút bạn đọc là học sinh, thông qua phong trào kích thích niềm say mê đọc sách của các em.

Trong quá trình giới thiệu, có thể cho khán giả đặt câu hỏi xoay quanh quyển sách đang giới thiệu. Khán giả nào có câu hỏi hay thì được trao quà.

Thứ tư, tổ chức cho học sinh giới thiệu sách tại thư viện:

Có thể tổ chức hàng tháng hoặc mỗi lần có sách mới, địa điểm tổ chức là tại thư viện. Đối tượng tham gia là những bạn đọc thường xuyên. Có thể tổ chức dưới hình thức bàn tròn tọa đàm, hoặc trao đổi về một quyển sách đang được dư luận quan tâm... Ở đó, mỗi bạn đọc sẽ phát hiện ra cái hay, cái đẹp, giá trị riêng của nó.

Duy trì được các hình thức trên đây chắc chắn sẽ thu hút được một lượng bạn đọc đến thư viện hàng ngày.